5 ĐIỀU LƯU Ý khi lựa chọn KEO DÁN GẠCH LÁT NỀN
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại keo dán gạch với công năng và mục đích sử dụng khác nhau.
Việc lựa chọn đúng loại keo dán gạch lát nền phù hợp vừa giúp đảm bảo chất lượng công trình lại giúp tiết kiệm chi phí.
Hãy cùng Macotek tham khảo một số lưu ý sau nhé.
1/ Xác định loại keo dán gạch lát nền đúng với nhu cầu sử dụng
Trước tiên, cần xác định rõ nhu cầu sử dụng để lựa chọn loại keo dán gạch phù hợp.
Bạn có thể tham khảo ý kiến với nhà thầu hoặc đơn vị thi công để được tư vấn chi tiết hơn.
Trên thị trường có những loại keo dán gạch lát nền nào?
Trên thị trường hiện nay, đa số các hãng đều có nhiều dòng sản phẩm với công năng và mục đích sử dụng khác nhau với giá cả chênh lệch.
Về mục đích sử dụng có thể kể đến như:
- Keo dán gạch lát nền Nội thất (phòng khách, phòng ngủ,…)
- Keo dán gạch lát nền Ngoại thất (sân thượng, ban công, sàn khu hồ bơi,…)
- Lát gạch trực tiếp lên sàn tấm cemboard, sàn tấm pane AAC,…
- Lát gạch lên trực tiếp nền gạch cũ.
Tham khảo thêm:
Lát gạch trực tiếp lên thạch cao, tấm panel AAC.
Việc xác định rõ loại keo dán gạch cần dùng giúp bạn lựa chọn loại keo phù hợp và tiết kiệm chi phí. Tránh việc mua nhầm loại keo giá cao, hoặc không đúng với công năng cần sử dụng.
2/ Tính định mức keo dán gạch lát nền cần sử dụng
Định mức sử dụng keo dán gạch lát nền phụ thuộc rất lớn vào thực tế cán nền ở công trình. Việc cán nền chuẩn sẽ giúp tiết kiệm vật tư và chi phí thi công.
Cách tính định mức keo dán gạch lát nền như thế nào?
- Đa số các nhà sản xuất đều đưa ra định mức sử dụng tham khảo cho các loại keo dán gạch. Định mức trung bình từ 5-7kg/m2 cho độ dày lớp keo dán gạch từ 3-5mm.
- Tuy nhiên, thực tế tại công trình, do việc cán nền không được chuẩn. Bề mặt nền bị lồi lõm nhiều, vì vậy định mức sử dụng thực tế có thể lên đến 7-12kg/m2.
Có cách nào để tính định mức sử dụng chính xác không?
- Với cách tính dựa trên độ dày thực tế kết hợp khối lượng riêng của hỗn hợp keo dán gạch. Định mức sơ bộ là 1.5kg/m2/1mm (định mức sử dụng 1.5kg trên mỗi m2 cho độ dày keo dán là 1mm).
- Sau đó tham khảo với đơn vị thi công và ước tính độ dày của lớp keo dán gạch ở công trình, sẽ tính ra được khối lượng dự toán.
Ví dụ:
+ Độ dày lớp keo là 4mm thì định mức sử dụng là 6kg/m2.
+ Độ dày lớp keo là 5mm thì định mức sử dụng là 7.5kg/m2.
+ Độ dày lớp keo là 7mm thì định mức sử dụng là 10.5kg/m2.
+ Độ dày lớp keo là 10mm thì định mức sử dụng là 15kg/m2.
3/ Một số lưu ý khi thi công keo dán gạch lát nền
Chuẩn bị bề mặt nền và gạch trước khi thi công
- Bề mặt nền nên được hoàn thiện bằng phương pháp cán ướt, để cho lớp nền khô cứng hoàn toàn từ 5-7 ngày trước khi tiến hành dán gạch. Cần khắc phục bất kì vị trí nào xuất hiện vết nức hoặc chỗ rỗng trước khi dán gạch.
- Không nên thi công cán nền bằng phương pháp cán hồ khô (cán sống). Vì bề mặt nền chưa được ổn định và co ngót hoàn toàn sẽ gây ra các sự cố bong tróc gạch sau này.
- Bề mặt nền cần được vệ sinh sạch sẽ, không bám bụi bẩn. Nếu cần có thể tưới nước vệ sinh bề mặt và để khô ráo trước khi dán gạch.
- Bề mặt nền có độ lõm không quá 3mm trên mỗi 2m chiều dài sẽ giúp cho việc thi công dễ dàng hơn.
- Không cần ngâm gạch trong nước. Đối với một số loại gạch có phủ lớp bụi chống trầy mặt sau gạch, nên sử dụng vải ẩm lau sạch và để khô trước khi dán gạch.
- Lưu ý không pha loãng hỗn hợp keo dán gạch và thi công theo phương pháp hồ dầu loãng.
Sử dụng bay răng cưa để thi công keo dán gạch lát nền
- Nên sử dụng bay răng cưa để thi công keo dán gạch lát nền. Việc thi công bằng bay răng cưa giúp tăng độ phủ của lớp keo, giúp tăng độ bám dính của gạch vào nền và giúp tiết kiệm vật tư.
- Tuỳ theo độ dày lớp keo dán gạch nên chọn loại bay có kích cỡ răng cưa phù hợp. Hiện nay trên thị trường có một số loại bay răng cưa như sau:
+ Bay răng cưa V5, U6: tạo độ dày lớp keo dán gạch khoảng 2-3mm, phù hợp thi công các loại gạch mosaic thuỷ tinh, các loại gạch thẻ trang trí, đá tự nhiên, gạch có kích thước dưới 30x60cm,…
+ Bay răng cưa U8,U9: tạo độ dày lớp keo dán gạch khoảng 3-4mm, phụ hợp thi công các loại gạch 30×60 đến 60×1,2m.
+ Bay răng cưa U10, C12: tạo độ dày lớp keo dán gạch khoảng 5-7mm, phù hợp các loại gạch khổ lớn lên đến 1mx3m, đá hoa cương, đá tự nhiên các loại,…
- Lưu ý, đối với các loại gạch có xương gạch to (mặt sau gạch nhiều gồ ghề), hoặc gạch có kích thước từ 60×60 trở lên, nên trát thêm một lớp keo dán gạch mỏng mặt sau gạch trước khi dán gạch.
Có nên pha xi măng vào keo dán gạch lát nền?
- Do đặc tính của keo dán gạch là dẻo và lâu khô, khả năng sẽ gây trượt làm khó khăn trong quá trình thi công. Một vài đơn vị thi công hay pha thêm xi măng vào hỗn hợp keo dán gạch để mau khô và thi công dễ dàng.
- Tuy nhiên, việc pha thêm xi măng vào hỗn hợp keo dán gạch sẽ làm giảm chất lượng cũng như cường độ bám dính của lớp keo.
- Một điều lưu ý, khi pha thêm xi măng sẽ làm cho lớp keo dán gạch bị co ngót nhiều hơn, làm giảm cường độ và dễ xảy ra các sự cố bong tróc sau này.
4/ Sử dụng công cụ để tăng độ thẩm mĩ và chất lượng khi dùng keo dán gạch lát nền
- Bạn có thể sử dụng thêm bộ dụng cụ Đai-Nêm cân bằng mặt gạch để đảm bảo độ phẳng cho bề mặt gạch nền.
- Nên chừa khe ron có độ rộng từ 2mm trở lên. Việc chừa khe ron rộng sẽ giúp cho việc vệ sinh và thi công chà ron dễ dàng sau này. Có thể chọn màu keo chà ron tương đương với màu của gạch ốp lát để tăng độ thẩm mĩ.
- Tại các vị trí giao nhau giữa tường và sàn nên sử dụng silicon để trám khe ron. Đối với khu vực tường vệ sinh nên lưu ý thêm tính năng chống nấm mốc cho đường ron.
- Đối với các khu vực chịu sự rung động, hoặc các bề mặt nền trên tấm cemboard, duraflex,…nên sử dụng loại keo chà ron có độ dàn hồi cao (hoặc silicon) để tránh bị bong tróc.
5/ Báo giá keo dán gạch lát nền
Như đã trình bày ở trên, việc lựa chọn loại keo dán gạch đúng với nhu cầu sẽ giúp tiết kiệm chi phí. Tránh việc sử dụng loại keo dán gạch có công năng cũng như giá thành cao gây lãng phí.
Ví dụ, keo dán gạch lát nền nội thất sẽ RẺ hơn keo dán gạch lên nền gạch cũ, keo dán gạch lát nền ngoài trời.
So sánh chi phí keo dán gạch lát nền với hồ dầu?
- Việc so sánh chỉ thể hiện một phần nhỏ của vấn đề chi phí đối với chất lượng tổng thể của công trình.
- Cụ thể cùng một định mức với khối lượng sử dụng như nhau, chi phí sử dụng hồ dầu chỉ chiếm từ 30-50% so với việc sử dụng keo dán gạch.
- Tuy nhiên, việc sử dụng hồ dầu để dán gạch sẽ có một số hạn chế nhất định:
+ Không phù hợp để lát các loại gạch như porcelain, granite,…
+ Không thi công được trên các bề mặt đặc biệt như: thạch cao, tấm cemboard, tấm duraflex, gạch AAC,…
+ Đặc biệt là dễ gây ra sự cố bong gạch khi thi công lát nền ngoài trời.
- Hiện nay, tại một số công trình hay gặp các sự cố bong tróc gạch do việc lát nền bằng hồ dầu. Việc cải tạo này rất tốn kém thời gian và chi phí để sửa chữa, cũng như ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của các chủ đầu tư.
Do đó, việc sử dụng keo dán gạch lát nền là cực kì phù hợp vừa giúp tăng độ thẩm mĩ, chất lượng cho công trình cũng như uy tín cho chủ đầu tư.